Những điều cần biết về bệnh Whitmore- “Vi khuẩn ăn thịt người”

Những điều cần biết về bệnh Whitmore- “Vi khuẩn ăn thịt người”

—–Sức khỏe hôm nay—–

Bệnh Whitmore (hay melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng chết người có thể ảnh hưởng đến cả người và động vật. Nguyên nhân của nhiễm trùng là vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, có thể lây lan qua tiếp xúc với nước và đất bị nhiễm.

 

Bệnh Whitmore có thể lây lan sang các khu vực mà đáng lẽ thường không có. Vì lý do đó, B. pseudomallei, nguyên nhân gây ra bệnh Whitmore, đã được xác định là một vũ khí sinh học tiềm năng.

 

 

Bệnh hiếm gặp ở Mỹ, nhưng là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ở Đông Nam Á, bắc Australia và nhiều nơi khác có khí hậu nhiệt đới. Bệnh Whitmore có thể lây lan sang các khu vực mà đáng lẽ thường không có. Vì lý do đó, B. pseudomallei, nguyên nhân gây ra bệnh Whitmore, đã được xác định là một vũ khí sinh học tiềm năng.

 

Triệu chứng của bệnh Whitmore

Các triệu chứng của bệnh Whitmore khác nhau tùy thuộc vào loại nhiễm trùng. Các thể bệnh bao gồm phổi, máu, nhiễm trùng tại chỗ và nhiễm trùng rải rác.

Nói chung, phải hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc với vi khuẩn thì các triệu chứng mới xuất hiện. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể mất vài giờ hoặc nhiều năm để xuất hiện và một số người mắc bệnh mà không có triệu chứng.

 

Nhiễm trùng phổi

Biểu hiện phổ biến nhất của bệnh Whitmore ở người là nhiễm trùng phổi. Nhiễm trùng phổi có thể phát sinh độc lập, hoặc có thể là kết quả của nhiễm trùng máu. Các triệu chứng ở phổi có thể nhẹ, như viêm phế quản, hoặc nặng, bao gồm viêm phổi và dẫn đến sốc nhiễm trùng. Sốc nhiễm trùng là một nhiễm trùng máu nặng có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Các triệu chứng của nhiễm trùng phổi có thể bao gồm:

• ho với đờm bình thường hoặc không có đờm, được gọi là ho không xuất tiết

• đau ngực khi thở

• sốt cao

• đau đầu và đau nhức cơ nói chung

• sụt cân

Nhiễm trùng phổi có thể giống với bệnh lao vì cả hai đều có thể dẫn đến viêm phổi, sốt cao, đổ mồ hôi đêm, sụt cân, đờm có máu và mủ hoặc máu trong mô phổi. X-quang phổi có thể hoặc không biểu hiện những khoảng trống, được gọi là hang, là một dấu hiệu của bệnh lao.

 

Nhiễm trùng máu

Nếu không được điều trị thích hợp và nhanh chóng, nhiễm trùng phổi có thể tiến triển thành nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng máu còn được gọi là sốc nhiễm trùng và là dạng bệnh Whitmore nghiêm trọng nhất, hay gặp và đe dọa tính mạng.

Sốc nhiễm trùng thường xảy ra nhanh chóng, mặc dù nó có thể phát triển dần dần ở một số người. Các triệu chứng bao gồm:

• sốt, đặc biệt là rét run và vã mồ hôi

• đau đầu

• đau họng

• khó thở

• đau vùng bụng trên

• tiêu chảy

• đau khớp và đau cơ

• mất phương hướng

• vết loét có mủ trên da hoặc bên trong ở gan, lách, cơ hoặc tuyến tiền liệt

Những người có các tình trạng cụ thể sau có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu:

• đái tháo đường

• bệnh thận

• lạm dụng rượu

• bệnh gan

• thalassemia

• nhiễm trùng phổi mãn tính, bao gồm xơ nang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và giãn phế quản

• ung thư hoặc tình trạng bệnh ảnh hưởng đến chức năng hệ miễn dịch nhưng không liên quan đến HIV

Những người trên 40 tuổi cũng có thể có nguy cơ nhiễm trùng máu trong bệnh Whitmore cao hơn và phát triển các triệu chứng nặng nề hơn so với người trẻ.

 

Nhiễm trùng khu trú

Thể bệnh này ảnh hưởng đến da và các cơ quan ngay dưới da. Nhiễm trùng khu trú có thể lan vào máu, và nhiễm trùng máu có thể gây nhiễm trùng khu trú. Các triệu chứng có thể bao gồm:

• đau hoặc sưng ở một vùng nhất định (khu trú), chẳng hạn như tuyến mang tai, nơi thường liên quan nhất với quai bị và nằm bên dưới và phía trước tai

• sốt

• loét hoặc áp xe trên, hoặc ngay bên dưới da – có thể bắt đầu như những nốt u cục cứng chắc màu xám hoặc trắng, trở nên mềm và viêm, và sau đó trông giống như vết thương do vi khuẩn ăn thịt gây ra

 

Nhiễm trùng rải rác

Trong thể bệnh này, vết loét hình thành ở nhiều cơ quan và có thể có hoặc không liên quan đến sốc nhiễm trùng. Các triệu chứng có thể bao gồm:

• sốt

• sụt cân

• đau dạ dày hoặc ngực

• đau cơ hoặc khớp

• đau đầu

• co giật

Các vết loét nhiễm trùng thường gặp nhất ở gan, phổi, lách và tuyến tiền liệt. Ít phổ biến hơn, nhiễm trùng xảy ra ở khớp, xương, hạch bạch huyết hoặc não.

Nguyên nhân gây bệnh Whitmore

Người và động vật có tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei có thể bị bệnh Whitmore. Những đường tiếp xúc trực tiếp phổ biến nhất bao gồm:

• hít phải bụi bẩn hoặc các giọt nước bị nhiễm

• uống nước bị nhiễm mà không được khử trùng bằng clo

• sờ vào đất bị nhiễm bằng tay hoặc chân trần, đặc biệt là nếu có trầy xước trên da

Bệnh rất hiếm khi lây từ người sang người khác và côn trùng không được cho là có vai trò quan trọng trong việc truyền bệnh.

Vi khuẩn có thể sống nhiều năm trong đất và nước bị nhiễm.

 

Tỷ lệ mắc bệnh Whitmore

Bệnh xảy ra ở đâu?

Các chuyên gia tin rằng các trường hợp mắc bệnh Whitmore còn chưa được báo cáo ở nhiều khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các khu vực có nhiều ca bệnh Whitmore được báo cáo nhất là:

• Thái Lan

• Malaysia

• Singapore

• bắc Australia

Bệnh cũng phổ biến ở Việt Nam, Papua New Guinea, Hồng Kông, Đài Loan và phần lớn Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Bệnh ít được báo cáo ở Trung Mỹ, Brazil, Peru, Mexico và Puerto Rico.

Vai trò của thời tiết trong lây truyền bệnh

Bùng phát bệnh Whitmore hay gặp nhất sau mưa lớn, bão, gió mùa hoặc lũ lụt – ngay cả ở những vùng khô cằn. Viêm phổi là triệu chứng đầu tiên phổ biến trong những thòi kỳ này. Có thể có những cách khác để vi khuẩn lây lan ra môi trường mà chưa được phát hiện.

 

Những người có nguy cơ cao nhất

Những người dễ tiếp xúc nhất với B. pseudomallei trong nước hoặc đất bao gồm:

• bộ đội

• công nhân xây dựng, trồng trọt, đánh bắt và lâm nghiệp

• khách du lịch mạo hiểm và du lịch sinh thái, bao gồm cả những người lưu trú trong thời gian chưa đến một tuần ở khu vực phổ biến bệnh

Những động vật bị ảnh hưởng nhiều nhất

Nhiều động vật mẫn cảm với bệnh Whitmore. Ngoài tiếp xúc với nước và đất bị nhiễm, động vật có thể nhiễm vi khuẩn từ sữa, nước tiểu, phân, dịch tiết mũi và vết thương của con vật bị nhiễm. Những động vật bị ảnh hưởng phổ biến nhất là:

• cừu

• dê

• lợn

Bệnh cũng đã được báo cáo ở ngựa, mèo, chó, gia súc, gà, thú có túi, cá nhiệt đới, cự đà, và các động vật khác. Bệnh đã giết chết một số quần thể vườn thú.

 

Chẩn đoán

Bệnh Whitmore có thể ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan và có thể giống với nhiều bệnh khác. Đó là lý do tại sao đôi khi nó được gọi là “kẻ bắt chước vĩ đại”. Nhưng một chẩn đoán sai có thể gây tử vong.

Nuôi cấy vi khuẩn B. pseudomallei được coi là xét nghiệm chẩn đoán tiêu chuẩn vàng. Để làm điều này, các bác sĩ lấy mẫu máu, đờm, mủ, nước tiểu, dịch trong bao hoạt dịch (giữa các khớp), dịch màng bụng (trong khoang bụng) hoặc dịch màng tim (trong khoang quanh tim) của người bệnh. Mẫu được đặt vào môi trường nuôi cấy, chẳng hạn như thạch agar, để xem vi khuẩn mọc không. Tuy nhiên, nuôi cấy không phải lúc nào cũng thành công trong mọi trường hợp mắc bệnh Whitmore.

Đôi khi trong các ổ dịch, các chuyên gia còn lấy mẫu từ đất hoặc nước.

 

Điều trị

Điều trị có thể khác nhau tùy thuộc vào thể bệnh.

Giai đoạn đầu tiên của điều trị là tối thiểu 10 đến 14 ngày dùng kháng sinh truyền tĩnh mạch (IV). Điều trị bằng kháng sinh này có thể kéo dài tới tám tuần. Các bác sĩ có thể kê đơn:

• ceftazidime (Fortaz, Tazicef), 6 – 8 giờ một lần

• meropenem (Merrem), 8 giờ một lần

Giai đoạn điều trị thứ hai là 3 đến 6 tháng của một trong hai kháng sinh đường uống sau:

• sulfamethoxazole-trimethoprim (Bactrim, Septra, Sulfatrim), uống 12 giờ một lần

• doxycycline (Adoxa, Alodox, Avidoxy, Doryx, Monodox), uống 12 giờ một lần

Tái phát hiện không hay gặp như trước đây, xảy ra chủ yếu ở những người không hoàn thành đủ liệu trình kháng sinh.

 

Phòng ngừa

Chưa có vắc-xin phòng bệnh, mặc dù chúng đang được nghiên cứu.

Những người sống trong hoặc đến những khu vực bệnh phổ biến nên thực hiện những hành động sau để ngăn ngừa nhiễm trùng:

• Mang ủng và găng tay không thấm nước khi làm việc trong đất hoặc nước.

• Tránh tiếp xúc với đất và nước đọng nếu có vết thương hở, bị đái tháo đường hoặc bệnh thận mãn tính.

• Cảnh giác tránh tiếp xúc bằng đường hít trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

• Nhân viên y tế nên đeo khẩu trang, găng tay và áo choàng.

• Những người làm nghề cắt và chế biến thịt nên đeo găng tay và thường xuyên khử trùng dao.

• Nếu uống các sản phẩm sữa, hãy chắc chắn rằng chúng đã được tiệt trùng.

• Sàng lọc bệnh Whitmore nếu bạn chuẩn bị bắt đầu điều trị thuốc ức chế miễn dịch.

 

Tiên lượng bệnh

Ngay cả với các điều trị kháng sinh tĩnh mạch mới hơn, mỗi năm vẫn có nhiều người chết vì bệnh Whitmore, đặc biệt là do nhiễm trùng huyết và các biến chứng của nó. Tỷ lệ tử vong cao hơn ở những nơi tiếp cận chăm sóc y tế hạn chế. Những người đi du lịch đến các vùng có nguy cơ cần nhận thức được bệnh và thực hiện các bước để hạn chế khả năng phơi nhiễm. Nếu khách du lịch bị viêm phổi hoặc sốc nhiễm trùng khi trở về từ các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, bác sĩ cần nghĩ tới chẩn đoán bệnh Whitmore.

Cẩm Tú

Theo Healthline

(Đăng trên Dantri.com)

Facebook Twitter Google-plus Instagram