Nếu bạn hoặc người nhà đã từng bị đau dây thần kinh liên sườn rồi chắc hẳn sẽ biết được cảm giác khó chịu đến nhường nào. Đau đến nỗi ăn ngủ không ngon, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Thông thường khi bị đau như vậy người ta thường tìm đến thuốc hoặc các phương pháp làm sao để có thể giảm đau một cách nhanh chóng. Trong bài viết dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu các loại thuốc điều trị đau dây thần kinh liên sườn được kê đơn phổ biến hiện nay:
Mục lục:
Đau dây thần kinh liên sườn là bệnh lý gì
Dây thần kinh liên sườn sẽ đi liền với 12 cặp xương sườn của chúng ta. Chúng bắt nguồn tại các đoạn đi ra của tủy ngực từ D1 đến D12, khi đi ra chúng sẽ chia làm hai nhánh trước và sau,. Các nhánh sau sẽ chi phối cho vùng lưng, còn nhánh trước thì chi phối vùng bụng, ngực (đổi tên thành dây thần kinh liên sườn). Chúng đi cùng các tĩnh mạch ở bờ dưới xương sườn thành các bó mạch gian sườn.
Đau dây thần kinh liên sườn là một bệnh lý tổn thương dây thần kinh liên sườn do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bởi chúng nằm ở vị trí nông trên thành ngực nên những tổn thương liên quan tại cột sống, tủy sống hay xương sườn đều có thể gây đau thần kinh liên sườn.
Khi không tìm được nguyên nhân gây bệnh người ta gọi đó là đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát. Ngoài ra bệnh thứ phát có thể do những nguyên nhân khác dưới đây:
- Biến chứng sau Zona thần kinh.
- Thoái hóa cột sống
- Bệnh lý thần kinh
- Viêm đa rễ thần kinh hoặc viêm đa dây thần kinh
- Bệnh lý toàn thân như nhiễm khuẩn, đái tháo đường
- Lao cột sống ngực
- Ung thư cột sống
- U tủy
Biểu hiện của đau dây thần kinh liên sườn thường gặp đó là đau dọc đường đi của dây thần kinh liên sườn tương ứng. Mô tả của người bệnh đó là đau tức, đau giật có đường đi đôi khi là đau bỏng rát (nếu là đau sau zona, có thể kèm theo các nốt bọng nước). Mức độ đau hay tính chất cơn đau cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh nữa. Ví dụ như nếu đau do thoái hóa cột sống sẽ thường gặp ở những người lớn tuổi, thường đau vùng cột sống một cách âm ỉ, đau cơ học ( đau tăng khi bị ấn vào hay vận động, ho, hắt hơi…). Đau do u hay lao cột sống thì sẽ đau vô cùng dữ dội, có thể kèm theo biến dạng cột sống.

Các nhóm thuốc điều trị đau dây thần kinh liên sườn phổ biến hiện nay
Hiện tại chưa có thuốc điều trị đau dây thần kinh liên sườn đặc trị mà thay vào đó bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau từ mức độ nhẹ đến nặng tăng dần kết hợp với các loại thuốc hỗ trợ tăng cường thể trạng, bồi bổ cơ thể.
Nhóm thuốc giảm đau
Dưới đây là các nhóm thuốc giảm đau thường dùng trong đau dây thần kinh liên sườn được sắp xếp từ nhẹ đến mức độ mạnh:
Thuốc giảm đau Paracetamol
Nhắc đến Paracetamol ta nghĩ ngay đến đây là thuốc hạ sốt nhưng nó cũng có tác dụng giảm đau rất tốt. Nó thuộc vào nhóm giảm đau thông thường, điều trị trong các trường hợp đau nhẹ nhàng kể cả đau dây thần kinh liên sườn. Thuốc có tác dụng rất nhanh sau khi uống và cũng ít tác dụng phụ không mong muốn.
Chỉ định: Đau dây thần kinh liên sườn mức độ nhẹ.
Chống chỉ định:
- Người mắc các bệnh lý về gan
- Tiền sử bệnh lý về tim, phổi, thận
- Thiếu máu
- Thiếu glucose – 6 – phosphat dehydrogenase
- Người bị quá mẫn hay dị ứng với thành phần của thuốc
Hướng dẫn sử dụng:
- Liều lượng: Paracetamol 500mg x 02 viên/ lần. Uống khi đau. Mỗi lần uống cách ít nhất 4-6h.
- Uống trong hay sau bữa ăn cùng nhiều nước.
Các tác dụng phụ không mong muốn: Buồn ngủ, buồn nôn và nôn, đau dạ dày, gây độc cho gan nếu dùng quá liều…

Thuốc giảm đau chống viêm Non – Steroid (NSAIDS)
Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau thường được ưu tiên nhất trong điều trị đau dây thần kinh liên sườn. Bởi ngoài giảm đau nó còn có tác dụng chống viêm trong các trường hợp đau do viêm. Mức độ giảm đau từ nhẹ đến trung bình, tác dụng hạ sốt kém. Nhóm thuốc này chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, không quá 7 ngày vì tác dụng phụ của nó tương đối nghiêm trọng. Các thuốc thường dùng là Ibuprofen và Naproxen.
Chỉ định:
- Đau dây thần kinh liên sườn mức độ nhẹ đến trung bình, không đáp ứng điều trị với Paracetamol.
- Đau do nguyên nhân viêm dây thần kinh hoặc chấn thương.
Chống chỉ định:
- Dị ứng hoặc quá mẫn với thành phần của thuốc.
- Người bị suy gan, suy thận.
- Người có tiền sử xuất huyết
- Viêm loét dạ dày tá tràng.
Thận trọng khi dùng cho người bị hen suyễn, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, bệnh lý toàn thân.
Hướng dẫn sử dụng:
- Liều dùng: Ibuprofen 200-400mg/ lần, uống cách 4-6h 1 lần.
- Uống sau ăn cùng nhiều nước.
Tác dụng phụ không mong muốn:
- Buồn ngủ, buồn nôn và nôn.
- Rối loạn chức năng gan, thận.
- Viêm dạ dày tá tràng.
- Dị ứng.
- Cơn hen giả.
- Xuất huyết.
Thuốc giảm đau thần kinh Gabepentin
Có thể nói đây là nhóm thuốc đặc trị đau dây thần kinh liên sườn. Nhóm giảm đau dây thần kinh này thường dùng nhất đó là Neurotin (Gabapentin), tác dụng nổi bật là giảm đau thần kinh, chống co giật và động kinh. Nhất là tác dụng phòng ngừa đau dây thần kinh tái phát trong bệnh zona thần kinh. Tùy vào tình trạng đau từng người mà bác sĩ sẽ kê đơn cho phù hợp.
Chỉ định:
- Tất cả các trường hợp đau dây thần kinh.
- Đau dây liên sườn sau Zona
Chống chỉ định:
- Người bị quá mẫn với Gabapentin.
- Phụ nữ có thai, cho con bú, người bị động kinh vắng ý thức, người đang sử dụng Morphin, trẻ em.
Hướng dẫn sử dụng Neurotin:
- Người lớn bị đau dây thần kinh: Liều khởi đầu 100-300mg lần uống buổi tối. Tăng dần liều dựa theo đáp ứng của người bệnh, tăng liều sau 3-7 ngày/ lần. Liều thông thường 600-1200mg/ lần x 3 lần/ ngày.
- Người bị đau sau zona: Ngày 1 uống 300mg/ lần vào buổi tối. Ngày 2 uống 300mg/ lần x 2 lần/ ngày. Ngày 3 uống 300mg/ lần x 3 lần/ ngày. Liều duy trì 300-600mg/ lần x 3 lần/ ngày.
Tác dụng phụ: Chóng mặt, buồn ngủ, run chân tay, rung giật nhãn cầu, nhìn đôi, giảm thị lực, tăng huyết áp, khô miệng…

Thuốc giảm đau gây nghiện chứa Opioid
Nhóm này thường được sử dụng trong các trường hợp đau từ mức độ trung bình đến nặng nhưng chỉ dùng trong thời gian ngắn hạn, không nên dùng dài ngày. Tác dụng nhanh chóng, thường sẽ thấy ngay sau liều dùng thứ hai. Tùy tình trạng đau mà bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng Tramadol riêng lẻ hay Tramadol kết hợp với Paracetamol (chế phẩm riêng). Loại chế phẩm này sẽ hạn chế tác dụng phụ và tác dụng giảm đau cũng nhanh chóng. Đau nặng hơn thì cân nhắc sử dụng đến Codein.
Chỉ định: Trường hợp đau dây thần kinh liên sườn mức độ trung bình đến nặng không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau đã kể trên.
Chống chỉ định:
- Người dị ứng với thành phần của thuốc.
- Trẻ em dưới 6 tuổi
- Người bị suy gan, suy thận.
- Suy hô hấp mất bù
- Động kinh không kiểm soát
- Phụ nữ đang cho con bú
- Bệnh lý cấp tính: chấn thương sọ não, tăng áp lực nội sọ…
Hướng dẫn sử dụng Tramadol
- Người trên 17 tuổi không cần giảm đau nhanh: Liều khởi đầu 25mg/ lần/ ngày vào buổi sáng. Cách 3 ngày tăng liều thêm 25mg. Liều tối đa 25mg/ lần x 4 lần/ ngày.
- Người trên 17 tuổi cần giảm đau nhanh: Liều khuyến cáo 50-100mg/ lần, mỗi lần cách 4-6h. Liều tối đa 400mg/ ngày.
Tác dụng phụ: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, táo bón…

Corticosteroid thuốc giảm đau cục bộ
Nếu trường hợp viêm và đau nhức nặng nề cùng liên sườn thì phải dùng đến corticosteroid để giảm đau cục bộ bằng đường tiêm, mang lại hiệu quả giảm đau tức thì. Thuốc có thể có tác dụng trong vòng vài tháng nhưng cơn đau lại tái phát, thường là sau 4 tháng.
Chỉ định: Đau dây thần kinh liên sườn kèm theo viêm nặng.
Chống chỉ định:
- Người bị viêm gan A, viêm gan B
- Nhiễm khuẩn nặng và nấm chưa được kiểm soát.
- Loãng xương.
- Quá mẫn với thành phần corticosteroid.
Thận trọng dùng với phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em, người cao tuổi, người bị viêm loét dạ dày, tá tràng, suy thận, suy gian, suy giảm miễn dịch, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Liều dùng: Chỉ định bởi bác sĩ.
Tác dụng phụ: tăng nguy cơ nhiễm trùng, loãng xương, tăng đường huyết, tăng huyết áp, suy vỏ thượng thận, đục thủy tinh thể, hội chứng Cushing…
Ngoài sử dụng thuốc giảm đau thì điều trị đau dây thần kinh liên sườn bằng phương pháp vật lý trị liệu đang được rất nhiều người quan tâm bởi những ưu điểm nổi trội. Máy điện sinh học DDS ứng dụng dòng điều sinh học sẽ giúp phục hồi tổn thương thần kinh, giãn cơ, thông kinh lạc, kích thích tuần hoàn đến nuôi dưỡng vùng tổn thương… từ đó giúp cho triệu chứng đau cải thiện một cách rõ rệt. Tìm hiểu thêm tại đây: https://vatlytrilieu.vn/may-dien-sinh-hoc-dds/
Nhóm thuốc hỗ trợ
Ngoài các thuốc giảm đau uống bên trong thì người bệnh cần sử dụng thêm một số nhóm thuốc hỗ trợ.
Thuốc bôi chứa Capsaisin
Thuốc bôi có chứa thành phần Capsaisin cũng có tác dụng rất tốt trong các trường hợp đau dây thần kinh liên sườn, cho nên mức độ sử dụng của nó cũng vô cùng phổ biến. Thuốc mang đến tác dụng giảm đau mức độ nhẹ nhưng hỗ trợ thêm điều trị viêm và nhiễm trùng nhờ tác động từ bên ngoài. Capsaisin sẽ làm giảm sản xuất một hoạt chất P, chất này có tác dụng truyền tín hiệu cơn đau từ vị trí tổn thương đến não bộ khiến chúng ta cảm nhận được cơn đau.
Chỉ định: Đau dây thần kinh liên sườn mức độ nhẹ có thể kèm theo viêm hoặc không.
Chống chỉ định: Quá mẫn với thành phần Capsaisin, vết thương hở ngoài da hoặc lở loét.
Hướng dẫn sử dụng: Lấy một lượng nhỏ bôi trên bề mặt da tại vị trí đau. Ngày bôi từ 3-4 lần, thoa đều trên bề mặt.
Tác dụng phụ: Cảm giác nóng rát hoặc châm chích tại vị trí bôi.
Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Một số trường hợp đau dây thần kinh nặng bác sĩ phải kết hợp cả thuốc chống trầm cảm ba vòng mới cải thiện được tình trạng bệnh. Những cơn đau có thể khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Bởi vậy mà sử dụng thuốc chống trầm cảm sẽ có tác dụng an thần rất tốt, hạn chế việc đau nhức ảnh hưởng tới giấc ngủ. Thông thường thuốc cần có thời gian tác dụng nên người bệnh phải kiên trì tuân thủ liều bác sĩ kê, tránh tự ý thay đổi liều hoặc ngưng thuốc đột ngột.
Chỉ định: Đau dây thần kinh gây ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Chống chỉ định: Người quá mẫn với thành phần của thuốc.
Hướng dẫn sử dụng Amitriptylin:
- Liều dùng 75-200mg/ ngày chia 2-3 lần uống.
- Uống ngay sau ăn với nhiều nước.
Tác dụng phụ không mong muốn: Đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, khó tiêu, nôn ói, suy giảm ham muốn tình dục, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương ở nam…
Vitamin nhóm B
Khi điều trị đau dây thần kinh liên sườn cần kết hợp sử dụng thêm vitamin nhóm B gồm vitamin B1, B6, B12. Chúng cần thiết cho quá trình chuyển hóa của tế bào, tăng tái tạo bao myelin cùng tế bào thần kinh, từ đó phục hồi các tổn thương thần kinh. Hơn nữa vitamin nhóm B còn kích thích tăng sản xuất hồng cầu, tăng cường miễn dịch.
Chỉ định: Trong tất cả các trường hợp đau dây thần kinh liên sườn.
Chống chỉ định: Quá mẫn với thành phần thuốc.
Hướng dẫn sử dụng: Theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
Tác dụng phụ: tiêu chảy, tiểu nhiền, buồn nôn và nôn, đau bụng, khát nước…
Nhóm thuốc giãn cơ
Đây cũng là một trong những nhóm thuốc cần thiết khi điều trị đau dây thần kinh liên sườn. Thuốc nổi bật nhất là Mydocalm, sử dụng trong các trường hợp đau cơ do co cứng hoặc co thắt, làm dịu nhanh những cơn đau.
Chỉ định: Đau dây thần kinh liên sườn co cứng hoặc co thắt cơ cạnh sống lưng, cơ vai, hoặc thành ngực.
Chống chỉ định: Người bị nhược cơ, mẫn cảm với thành phần của thuốc, mang thai 3 tháng đầu hoặc đang cho con bú.
Hướng dẫn sử dụng:
- Mydocalm 150-300mg/ ngày chia uống 3 lần.
Tác dụng phụ: hạ huyết áp, nhức đầu, buồn nôn,nhược cơ, đau bụng….

Thuốc Đông y
Sử dụng thuốc Đông y cũng là một trong những phương pháp điều trị đau dây thần kinh được nhiều người biết đến. Phương pháp này an toàn, ít tác dụng phụ.
Theo lý luận y học cổ truyền nguyên nhân dẫn đến đau dây thần kinh liên sườn và phương điều trị đó là:
- Can uất kết: Sơ can, hòa can lý khí, trục ứ thông lạc. Gợi ý bài thuốc như Đan bì 10g, chi tử 10g, sài hồ 12g, bạch thược 12g, uất kim 10g, hương phụ 12g, cam thảo 10g, đại hoàng 6g, trinh nữ 16g. Sắc ngày 01 thang, sắc 3 bát nước còn 1 bát, chia uống 2 lần sáng tối.
- Thể phong hàn thấp: Khu phong tán hàn, hành khí hoạt huyết, kết hợp an thần và bổ thần kinh. Gợi ý bài thuốc: Phòng phong 10g, kinh giới 12g, tang kí sinh 16g, phòng sâm 12g, hoàng kì 12g, nam tục đoạn 16g, ngải diệp 16g, trinh nữ 16g, thiên niên kiện 10g, ngũ gia bì 12g, quế 8g, tế tân 8g. Sắc ngày 01 thang, sắc 3 bát nước còn 1 bát, chia uống 2 lần sáng tối.
Lưu ý cần biết khi dùng thuốc điều trị đau dây thần kinh liên sườn
- Không sử dụng thuốc một cách tùy tiện khi chưa có sự thăm khám của bác sĩ điều trị.
- Dùng thuốc theo đúng liều lượng, đúng chỉ định.
- Không sử dụng thuốc Đông – Tây y kết hợp tránh các tương tác xấu không mong muốn.
- Thay đổi lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh nhanh hơn.
Trên đây là các loại thuốc điều trị đau dây thần kinh liên sườn thường được sử dụng phổ biến hiện nay. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích.